Du lịch Quy Nhơn - Khám phá Tháp Đôi, nét kiến trúc văn hóa Chăm Pa độc đáo
DU LỊCH QUY NHƠN - KHÁM PHÁ THÁP ĐÔI, NÉT KIẾN TRÚC VĂN HÓA CHĂM PA ĐỘC ĐÁO
Quy Nhơn nổi tiếng với những ngọn tháp mang đậm nét kiến trúc văn hóa Chăm Pa truyền thống độc đáo. Và một trong số đó chính là tháp đôi Hưng Thạnh, hay còn được gọi là tháp đôi Quy Nhơn. Du lịch Quy Nhơn và khám phá công trình này hứa hẹn đem đến cho bạn những trải nghiệm tuyệt vời.
Tháp đôi Quy Nhơn ở đâu?
Tháp đôi Quy Nhơn còn được gọi là Tháp Hưng Thạnh, tọa lạc tại phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháp đôi được biết đến là một trong 8 cụm Tháp Chăm Pa có lịch sử lâu đời tại nơi đây.
Tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 11 - đầu thế kỷ 13, thời kỳ vương quốc Chăm Pa gặp nhiều biến động. Trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm, tháp đã bị phá hủy nặng nề. Từ năm 1990 đến năm 1997, Tháp Hưng Thạnh đã được trùng tu, tôn tạo bởi những người thợ lành nghề, cùng với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, khảo cổ học trong nước và các chuyên gia đến từ Ba Lan hỗ trợ nhiệt tình. Ngày nay, Tháp đôi Quy Nhơn đã được khôi phục lại kiến trúc ban đầu và thu hút rất nhiều khách du lịch tới tham quan khám phá.
Đường đến tháp đôi Quy Nhơn
Tháp đôi Quy Nhơn nằm cách trung tâm thành phố 3 km về phía Tây Bắc. Khách đi du lịch Quy Nhơn có thể di chuyển tới đây bằng ô tô, xe máy hoặc xe khách đều được. Bạn có thể đi tới đây bằng xe khách Phương Trang với giá vé khá rẻ. Nếu bạn đi ô tô riêng hay phượt bằng xe máy thì có thể tới Cầu Đôi theo quốc lộ 19, tiếp tục đi về hướng thành phố khoảng 650m nữa. Tháp Đôi sẽ hiện ra ngay bên tay trái của bạn đấy.
Có một cách nhận biết khá dễ dàng, đó là tháp đôi nằm cạnh Cầu Đôi. Nếu bạn đến Cầu Đôi thì tức là sắp đến tháp đôi rồi đấy. Sự sắp đặt ấy không biết là ngẫu nhiên hay là do tính toán của người xưa, chỉ biết Tháp Đôi và Cầu Đôi đã đi vào nhiều bài thơ văn, ca dao trữ tình đặc sắc của người Quy Nhơn, Bình Định: “..Cầu Đôi liền với Tháp Đôi/ Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng..”.
Kiến trúc độc đáo của tháp đôi Quy Nhơn
Toàn bộ khuôn viên của Tháp đôi Quy Nhơn có diện tích khoảng 6.000 mét vuông. Hai ngọn tháp được bao quanh bởi những thảm cỏ xanh và những hàng cây rợp bóng.
Tháp Hưng Thạnh được gọi là tháp đôi bởi cụm tháp này chỉ bao gồm hai ngọn tháp đứng cạnh nhau, một cao một thấp. Trong đó tháp lớn cao 20m, tháp nhỏ cao 18m. Thông thường, một cụm tháp Chăm cổ thường có 3 tháp nhưng không hiểu sao tại đây lại chỉ có hai tháp. Các nhà khoa học cũng chưa tìm ra lý giải cho câu hỏi hóc búa này. Một điểm khác lạ nữa của tháp đôi Chăm Pa so với các cụm tháp khác, đó là cả hai tháp đều không có phần chóp. Nguyên nhân là do tháp đã bị hư hại nặng nề trong chiến tranh. Tuy đã được phục chế nhưng vẫn không thể khôi phục hai phần chóp này.
Tháp lớn được xây dựng cân đối với phần thân và phần mái được kết hợp tinh tế bằng những đường diềm hơi thắt lại làm bố cục kiến trúc thêm liền mạch. Giữa mái và thân tháp được trang trí bằng hình tu sĩ ngồi thiền và hai bên là voi châu đối xứng. Hai bên tháp là 21 vũ nữ được chạm khắc tinh xảo xung quanh diềm mái vô cùng sống động. Bên trong tháp lớn có thờ linh vật linga và yoni thông qua biểu tượng cối và chày giã gạo. Tháp nhỏ cũng được xây dựng tương tự như tháp lớn, nhưng ở phần diềm mái được trang trí bằng đàn hươu 13 con thay vì các hình vũ nữ như của tháp lớn.
Cửa chính của hai tháp đểu quay về hướng Nam. Khác với các loại tháp vuông nhiều tầng truyền thống của Chăm Pa, cấu trúc hai ngọn tháp đôi được chia thành hai phần chính: khối than vuông vức, và phần đỉnh hình tháp mặt cong. Cũng vì vậy mà từ xa, bạn sẽ thấy tháp có đôi nét giống với đền thờ Angkor Wat. Ở 4 góc tháp là hình ảnh tượng chim thần Garuda hai tay đưa cao như đang nâng đỡ mái tháp. Xung quang đó là hình phù điêu các vũ công 6 hoặc 8 tay bằng đá theo tín ngưỡng của người Chăm. Tất cả đều được chạm khắc vô cùng tinh xảo và sinh động, thể hiện sự tài hoa khéo léo của những người thợ xưa.
Điểm đặc biệt nữa là tháp được xây hoàn toàn bằng gạch nung đỏ xếp khít với nhau bằng một chất kết dính đặc biệt. Không giống như xây nhà bằng xi măng ngày nay, đây là một kỹ thuật xây độc đáo của người Chăm Pa xưa mà các nhà nghiên cứu ngày nay vẫn chưa giải mã được.
Một số thông tin hữu ích khi đến tháp đôi Quy Nhơn
Du khách tới tham quan Tháp Đôi Hưng Thạnh có thể kết hợp tham quan thêm nhiều địa điểm du lịch khác gần đó như: Thành cổ Hoàng Đế, Tháp Bánh Ít, Cù Lao Xanh, Hòn Sẹo, Hòn Khô…
Bên cạnh đó, nếu là một tín đồ ăn uống thì bạn tuyệt đối đừng quên thưởng thức những món đặc sản Quy Nhơn “ngon quên lối về” như: bún chả cá Quy Nhơn, bún rạm Quy Nhơn, nem chợ Huyện, bánh xèo Bình Định, bánh ít, bánh hồng,… Và hãy mua thêm một chút về làm quà cho bạn bè, người thân nhé!
Tháp Đôi Quy Nhơn thực sự là một công trình kiến trúc nghệ thuật đáng được du khách tới đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế, mang đậm bản sắc dân tộc và đắm chìm mình trong thế giới kỳ bí để hồi tưởng lại một thời văn minh của vương quốc Champa. Còn đợi điều gì mà không xách ba lô lên đi du lịch Quy Nhơn ngay và luôn để trải nghiệm và khám phá công trình kiến trúc Tháp Đôi tuyệt vời này.